Rạp phim 4D loay hoay tìm đất sống

Rạp phim 4D loay hoay tìm đất sống

Rạp phim 4D loay hoay tìm đất sống Đầu tư hàng chục tỷ đồng cho hạ tầng và bản quyền nhưng ngành kinh doanh phim 4D đã vội qua thời kỳ hoàng kim, nhiều rạp ngừng chiếu không biết bao giờ mở lại.
  • Phim ảnh sống nhờ Internet / Chủ tịch CGV: Kinh doanh điện ảnh ở Việt Nam rất tiềm năng

Cuối tuần qua anh Nguyễn Lộc (Thủ Đức, TP HCM) định đưa lũ trẻ đi xem phim 4D tại trung tâm mua sắm. Đến rạp sát giờ chiếu lúc gần trưa, gia đình anh là những người đầu tiên bước vào phòng dù khách đến trung tâm mua sắm khá đông. Lúc sau, rạp cũng chỉ lác đác có thêm vài khách.

Nhân viên nơi đây cho biết khoảng một năm nay, hằng ngày chỉ có khoảng 20-30 khách tới rạp, bất chấp mọi nỗ lực quảng cáo, khuyến mại. Năm 2011, khi rạp mới mở, chỉ với phòng chiếu 15m2, vé 40.000 đồng cho mốt suất chiếu dài 5 phút lượng khách trung bình vẫn lên tới 200, thậm chí 400-500 những dịp cuối tuần. "3 năm nay, rạp chỉ có 17 phim, không cập nhật phim mới nên khách nhàm dần", một nhân viên tại đây tiết lộ.

4D-nguyen-kim-JPG-9791-1405400165.jpg

Phòng chiếu 4D tại Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim phải tung thêm khuyến mãi nhưng vẫn vắng khách. Ảnh: Nguyễn Lộc

Là hình thức cho phép người xem trải nghiệm cảm giác, chuyển động mô phỏng của nhân vật, cùng nhiều hiệu ứng sương khói, té nước, rơi, đâm va... phim 4D bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ năm 2008. Một đơn vị từng tiên phong trong lĩnh vực này tại TP HCM khi ấy là là Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình (Alta) đã đầu tư tới vài triệu USD. Theo khảo sát của VnExpress, hiện thời hai phòng chiếu của đơn vị này tại Khu du lịch Suối Tiên và Alta Plaza đều vắng khách. Một phần do thị trường thành phố nay đã khá bão hòa khi có thêm nhiều tên tuổi mới như World Rider, 4D Co.op Mart, 4D Maximark… nhảy vào cạnh tranh.

Ở Hà Nội, 2 đơn vị chính phục vụ hình thức giải trí này là Rạp Kim Đồng và Trung tâm chiếu phim Quốc gia đều đang ngừng chiếu phim 4D. Một nhân viên tại Rạp Kim Đồng cho biết trong khi vé cho phim 2D, 3D bán chạy, khán giả đến với 4D lại khá hạn chế. Lý do chính là số lượng phim không nhiều, mỗi năm chỉ có thể chiếu hai phim mới với thời lượng 30 phút mỗi loại.

Từng đầu tư tới 2 triệu USD (tương đương 38 tỷ đồng lúc bấy giờ) cho phòng chiếu 4D, Trung tâm chiếu phim Quốc gia được xem là một trong những đơn vị dẫn đầu  Hà Nội về độ hiện đại vào năm 2011. Tuy nhiên, sau vài năm vận hành, phòng chiếu 4D của Trung tâm Chiếu phim Quốc Gia cũng ngừng hoạt động còn nhân viên phục vụ thì than thở "chưa biết khi nào sẽ mở lại".

Theo những người làm nghề, loại hình phim 4D ở Việt Nam chỉ hấp dẫn trong giai đoạn đầu. Hiện giá vé dao động 40.000-80.000 đồng, nhưng thời lượng chỉ 5-15 phút. Trong khi đó, cùng số tiền tương đương, người xem có thể thưởng thức những bộ phim 2D, 3D mới nhất, độ dài trên dưới 100 phút.

Lý do nữa khiến chuyện kinh doanh phim 4D rơi vào khó khăn là vấn đề bản quyền. Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo tại Rạp Kim Đồng cho biết chi phí nhập phim 4D về Việt Nam đắt, song song với đó là rủi ro rất lớn do đơn vị chủ yếu áp dụng hình thức "mua đứt đoạn" bản quyền. Nếu phim không ăn khách, rạp phải chịu hoàn toàn khoản lỗ. Ngoài ra, chi phí ban đầu cho rạp, ước khoảng 40 tỷ đồng (gấp 2 lần các phòng chiếu thông thường) cũng là rất cao.

Giữa bối cảnh kinh tế khó khăn và sự cạnh tranh từ các hình thức phim khác, lãnh đạo Rạp Kim Đồng thừa nhận trong 6 tháng vừa qua, doanh thu phim 4D không được như kỳ vọng và đã sụt giảm rất nhiều. Điều đó khiến rạp phải tạm thời ngừng cung cấp dịch vụ này.

4D-Kim-Dong.jpg

Phòng chiếu 4D của Rạp Kim Đồng đã ngừng phục vụ và chưa biết khi nào sẽ mở cửa trở lại.

Một số lãnh đạo các rạp chiếu phim khác cho biết điểm hạn chế nữa khiến khán giả không còn mặn mà với phim 4D là do thể loại ít đa dạng, chủ yếu chỉ phù hợp với trẻ em và một số người lớn. Trong khi đó, giới trẻ mới là những đối tượng thường xuyên sẵn lòng chi trả cho chuyện mua vé.

Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Công ty Phương Đông – đơn vị đang sở hữu rạp chiếu 4D tại Maximark Cộng Hòa – TP HCM đánh giá hình thức này tại Việt Nam hiện nay chủ yếu hoạt động theo phong trào. Các loại phim trình chiếu đa phần thuộc thể loại hoạt hình, độ dài 5-25 phút và chỉ thích hợp cho thiếu nhi. "Ban đầu cũng hút khách, nhưng hiện nay thị trường này gần như bão hòa. Hàng ngày chỉ còn lèo tèo vài khách tới xem", ông chia sẻ.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết kinh phí để trang bị một máy chiếu công nghệ Hàn Quốc kèm quy mô 6-10 ghế vào khoảng 1,8-2 tỷ đồng. Còn nếu là công nghệ của Trung Quốc, chi phí chỉ tầm 500 triệu đồng. "Với tình hình hiện nay, phải trên dưới 6 năm đơn vị kinh doanh mới thu hồi được số vốn bỏ ra cho việc đầu tư một rạp chiếu 4D công nghệ Hàn Quốc", vị này chia sẻ.

4dx-CGV-1958-1405066373.jpg

Doanh thu cho dịch vụ 4D của CGV đạt mức tăng trưởng trung bình 15% mỗi tháng.

Cũng theo lãnh đạo Công ty Phương Đông, để hấp dẫn thêm khán giả, loại hình này nên có một số cải thiện như đa dạng về thể loại phim, thời lượng cần dài hơn. 

Khác với các rạp nội, đại diện CGV tại Việt Nam cho biết công nghệ đơn vị này đang sử dụng là 4DX, cho phép một bộ phim có độ dài tương đương sản phẩm 2D hoặc 3D thông thường. Cùng với đó là nhiều hiệu ứng mới như ánh sáng (sấm chớp), mùi hương, bong bóng...

Trái ngược với các rạp nội, theo tiết lộ của CEO CGV Việt Nam - ông Kwak Dong Won với VnExpress, doanh thu từ các phòng chiếu 4D tại rạp đã vượt kỳ vọng ban đầu, mức tăng trưởng trung bình 15% mỗi tháng. Đối tượng khán giả xem chủ yếu ở độ tuổi 18-30 và "rất tò mò, cởi mở, chủ động với những trải nghiệm, xu thế mới", ông Kwak nói.

Lãnh đạo Trung tâm chiếu phim Quốc gia chia sẻ kinh nghiệm không nên tách rời phim 4D thành một hạng mục kinh doanh riêng. "Chỉ nên xem nó như yếu tố trong một quần thể vui chơi giải trí, làm điều kiện thu hút thêm khán giả, và phải kết hợp thêm với những hình thức khác", chuyên gia này nói. Ông cũng cho biết trong tháng 7 Trung tâm chiếu phim Quốc gia sẽ mở cửa trở lại các phòng chiếu 4D với một diện mạo mới.

Thực chất phim 4D đã có từ rất lâu trên thế giới, chỉ là du nhập vào Việt Nam có phần muộn màng. Theo chuyên gia này, loại hình trên không mang tính đại chúng mà chỉ là một hình thức giải trí của điện ảnh, khán giả có thể xem một lần rồi thôi. "Còn thực sự để cảm nhận và rung động trước một bộ phim thì đó phải là phim điện ảnh, bản chất nằm ở chất lượng như 24 hình hoặc 48 hình trên giây đi kèm hệ thống âm thanh ổn định", ông nói thêm.

Còn CEO CGV Việt Nam - ông Kwak Dong Won cho rằng xu hướng toàn cầu trong lĩnh vực điện ảnh hiện nay là cung cấp trải nghiệm "nhập vai" cho khán giả tại rạp chiếu phim. Những yếu tố cần thiết khi kinh doanh các loại hình phim 4D là phải "lựa chọn những bộ phim hay, phù hợp cho khán giả". Đồng thời, thiết bị chất lượng cao và kỹ năng sắp xếp phim chiếu rạp phải tốt, CEO CGV Việt Nam chia sẻ.

Tường Vi - Lệ Chi

, ,

Previous
Next Post »